Quá trình hình thành và phát triển Nhà trường

Trải qua chặng đường hơn 40 năm xây dựng và phát triển, Trường Đào tạo, bồi dưỡng Cán bộ Công Thương Trung ương đã vươn lên trở thành một trong những cánh chim đầu đàn của hệ thống đào tạo ngành Công Thương.

 

Trường Đào tạo, bồi dưỡng Cán bộ Công Thương Trung ương tiền thân là Trường Bổ túc Nghiệp vụ kỹ thuật may mặc thuộc Tổng Công ty Vải sợi may mặc - Bộ Nội thương với chức năng đào tạo công nhân kỹ thuật may mặc cho Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Ngay những ngày đầu thành lập (tháng 4 năm 1974), cơ sở vật chất của Nhà trường còn sơ khai, đội ngũ cán bộ giảng viên còn thiếu, thực hiện Hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ Việt Nam và Lào, Trường đã được giao thực hiện đào tạo 74 công nhân kỹ thuật may, giúp ngành Nội thương non trẻ của nước bạn; đào tạo công nhân kỹ thuật may phục vụ ngành Nội thương nước ta với hai nghề chủ yếu là cắt may và sửa chữa máy khâu.

Năm 1982, Trường được hợp nhất với Trường Công nhân kỹ thuật Điện máy thuộc Tổng Công ty Điện máy theo quyết định số 18-NT/QĐ1 của Bộ Nội thương thành Trường Dạy nghề May đo và Sửa chữa hàng điện máy (gọi tắt là Trường Dạy nghề Nội thương I);

Năm 1990 Trường được đổi tên thành Trường Dạy nghề Thương nghiệp. Trong những năm tháng đất nước vừa thống nhất, nhiệm vụ đào tạo công nhân kỹ thuật phục vụ cho khôi phục nền kinh tế sau chiến tranh là nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành đặc biệt quan tâm. Trong giai đoạn này, hoạt động đào tạo nghề của Nhà trường từng bước được củng cố và mở rộng. Số nghề đào tạo được bổ sung thêm 3 nghề: Sửa chữa thiết bị Điện tử; Sửa chữa thiết bị Điện lạnh; Thiết bị đo lường. Các thế hệ cán bộ, giáo và học sinh Nhà trường đã tìm nhiều giải pháp, huy động mọi nguồn lực, biến các lớp học, xưởng thực hành từ nhà tranh vách đất thành tường xây, mái ngói khang trang, xây dựng cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng đào tạo. Hằng năm, Nhà trường thực hiện đào tạo nghề cho khoảng 150 học sinh, sinh viên hoàn thành chỉ tiêu đào tạo Bộ giao. Trong thời kỳ này, Trường được coi là một trong những cơ sở đào tạo nghề uy tín và là địa chỉ tin cậy về công tác đào tạo của ngành Thương nghiệp Việt Nam lúc bấy giờ.

Năm 1994, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ công cuộc đổi mới, Trường Cán bộ Thương mại Trung ương ra đời trên cơ sở hợp nhất Trường Cán bộ Quản lý Thương nghiệp Trung ương và Trường Dạy nghề Thương nghiệp. Theo mô hình mới, Nhà trường vừa thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho ngành Thương mại, một mặt tiếp tục thực hiện công tác đào tạo nghề theo nhiệm vụ được giao. Trong giai đoạn đổi mới quyết liệt của đất nước, yêu cầu và nhiệm vụ được đặt ra cho Nhà trường là: phải thay đổi mục tiêu, chương trình, nội dung đào tạo; rà soát, ổn định lại công tác đào tạo nghề đã có; tập trung xây dựng hệ thống các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với đặc thù của tình hình đất nước.

Giai đoạn 1994 - 2007, Trường đã thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cho gần 60.000 lượt cán bộ, công chức về chuyên môn nghiệp vụ, tiêu chuẩn ngạch, lý luận chính trị đến hội nhập kinh tế quốc tế; thực hiện đào tạo nghề dài hạn cho 2.340 học sinh, đào tạo ngắn hạn cho hàng vạn lượt học viên. Có thế nói đây là giai đoạn tích lũy cần thiết để Trường đi vào phát triển trong những năm tiếp theo.

   Năm 2007, Trường Đào tạo, bồi dưỡng Cán bộ Công Thương Trung ương được thành lập theo quy định tại Nghị định số 189/2007/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ đánh dấu bước phát triển mới của Nhà trường. Theo yêu cầu mới, nhiệm vụ và trách nhiệm đặt ra cho Nhà trường hết sức nặng nề. Bên cạnh công tác đào tạo nghề, Nhà trường được Bộ Công Thương giao đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Công Thương bao gồm cả hai lĩnh vực công nghiệp và thương mại; bồi dưỡng kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế.

Năm 2012, tại Nghị định số 95/2012/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, Trường Đào tạo, bồi dưỡng Cán bộ CôngThương Trung ương tiếp tục được quy định là tổ chức sự nghiệp giáo dục nằm trong cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương với chức năng và nhiệm vụ được mở rộng hơn.

   Đứng trước hoàn cảnh lịch sử, cần chuyển mình để hội nhập vào sự phát triển của ngành và đất nước, trong tiềm thức của mỗi cán bộ, viên chức, giảng viên, nhân viên Nhà trường luôn gắn liền với sự nỗ lực, phấn đấu cho sự nghiệp chung, xây dựng mái Trường thân yêu, khắc phục mọi khó khăn để đưa Nhà trường vững bước phát triển trên con đường hội nhập, đổi mới của ngành Công Thương và của đất nước. Nhờ sự nỗ lực không ngừng của tập thể công chức, viên chức, giảng viên Nhà trường, trong những năm qua, Trường đã liên tục hoàn thành nhiệm vụ được giao, được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác.


Nguồn tin: Vitis
Số lượt xem bài viết: 25943, Ngày cập nhật cuối cùng: 06/03/2017