Trường Đào tạo, bồi dưỡng Cán bộ Công Thương Trung ương tổ chức dã ngoại nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/2017

Được sự đồng ý của Ban Giám hiệu Trường Đào tạo, bồi dưỡng Cán bộ Công Thương Trung ương, ngày 25/02/2017, Ban chấp hành Công đoàn Nhà trường đã tổ chức chuyến dã ngoại về thăm đền thờ Chu Văn An, khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc và Đền Cao nhân dịp kỷ niệm 107 năm ngày Quốc tế phụ nữ 8 tháng 3, nhằm động viên tinh thần cho cho toàn thể công chức, viên chức, giảng viên và người lao động trong Nhà trường.

 

Tham gia chuyến dã ngoại có đồng chí Nguyễn Thiện Nam – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường, đồng chí Phạm Văn Lợi – Chủ tịch Công đoàn, Phó Hiệu trưởng cùng gần 60 đồng chí công đoàn viên của Nhà trường.

Một số hình ảnh chuyến dã ngoại:

Đền thờ Chu Văn An tọa lạc trên núi Phượng Hoàng, nằm ẩn mình giữa khu rừng thông xanh ngút ngàn, nổi bật lên hàng chữ “Vạn thế sư biểu”. Đây là sự thể hiện tấm lòng tri ân của bao thế hệ người Việt đối với người thầy giáo mẫu mực Chu Văn An. Đền thờ Chu Văn An là điểm du lịch tâm linh và giáo dục truyền thống của rất nhiều du khách, cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên trên cả nước. Hàng năm, tại đây diễn ra lễ khai bút đầu xuân (nét đẹp văn hóa được gìn giữ từ khi thầy Chu Văn An về đây mở lớp dạy học) vào ngày 6 tháng Giêng với 4 chữ thư pháp Hán Nôm: Chính-Học-Thuần-Hành, với 10 chữ Quốc ngữ: Tâm-Đức-Chí-Nghĩa-Trung/Tài-Minh-Trí-Thành-Vinh; lễ hội mùa thu từ 1 – 25/8 âm lịch (chính hội ngày 25); lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 dương lịch; lễ hội về nguồn từ 24 – 26/11 âm lịch (chính hội ngày 26).




Côn Sơn - nơi có phong cảnh thiên nhiên thơ mộng, hữu tình với núi, rừng, suối, hồ, đan xen hòa hợp, có miếu "Ngũ Nhạc linh từ", có Bàn Cờ Tiên và di tích nền của Am Bạch Vân, có rừng thông, bạt ngàn, xanh tốt, có suối rì rầm từ Bắc xuống Nam, giống như tiếng đàn cầm vang vọng giữa núi rừng mênh mông… Bắc qua suối là cây cầu Thấu Ngọc - một công trình tuyệt mỹ đã đi vào thơ ca, sử sách. Mỗi buổi sáng, sương mờ trắng xóa bao phủ đỉnh núi, trưa đến, Côn Sơn lại khoác lên mình tấm áo tươi xanh, ngan ngát hương bay. Cảnh đẹp Côn Sơn đã quyến rũ bao thế hệ tao nhân, mặc khách, tuy nhiên, khi nói đến Côn Sơn là nói đến Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi - người đã gắn bó cả cuộc đời, sự nghiệp của mình ở đây. Thật vậy, ở Côn Sơn, mỗi sự vật, di tích đều lấp lánh ánh sáng của Nguyễn Trãi – Sao Khuê.






Kiếp Bạc nằm trong một thung lũng trù phú, xanh tươi, ba phía có dãy núi Rồng hình tay ngai với hai nhánh Nam Tào và Bắc Đẩu bao bọc, phía còn lại là Lục Đầu Giang (nơi hội tụ của sáu con sông: sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Đuống, sông Kinh Thầy và nhánh chính của sông Thái Bình). Núi tạo thành thế rồng chầu, hổ phục, sông tạo thành minh đường rộng rãi. Nơi đây trời bày đất dựng, vị trí đắc địa về phong thủy, có vị trí hiểm yếu về quân sự, có tứ linh quần tụ chung đúc khí thiêng. Bởi thế, sau cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất (1258), Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo đã chọn khu vực này làm trung tâm chỉ huy của phòng tuyến quân sự vùng Đông Bắc, kéo dài từ biên giới Lạng Sơn qua ải Chi Lăng, Nội Bàng theo sông Lục Nam, qua Lục Đầu Giang, Bạch Đằng ra biển Đông, nhằm tạo trận đồ “thủy bộ hợp thành, tiến thế công, thoái thế thủ” để chống giặc Nguyên Mông lần thứ 2 (1285) và lần thứ 3 (1288). Sau khi Trần Hưng Đạo mất, để tưởng nhớ công lao to lớn của ông đối với đất nước, nhân dân địa phương đã lập đền thờ trên vị trí trung tâm chỉ huy xưa kia, đặt tên là Kiếp Bạc và tôn ông làm Đức Thánh Trần.

 

Đền Cao toạ lạc trên đồi cao tại thôn Đại, xã An Lạc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Đền Cao thờ 5 anh em họ Vương, có công cùng vua Lê Đại Hành đánh đuổi quân xâm lược nhà Tống. Đền Cao thờ Vương Đức Minh; Đền Bến Tràng thờ Vương Đức Xuân; Đền Bến Cả thờ Vương Đức Hồng; Đền Cả thờ Vương Thị Đào và Vương Thị Liễu. Đền Cao được bao bọc bởi 54 cây lim cổ thụ hàng trăm năm tuổi làm tăng thêm vẻ uy nghi cho ngôi đền cổ linh thiêng. Trong đó cây lim thọ lâu nhất được cho là đã hơn 800 năm tuổi, cao tới 20m. Mới đây, những cây lim này đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là “Cây di sản Việt Nam”.


Cây di sản với niên đại trên 800 năm tuổi


Đền thờ vua Lê Đại Hành




Chuyến dã ngoại thành công tốt đẹp, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi người. Chuyến đi đã giúp chị em của Nhà trường ôn lại lịch sử, truyền thống tốt đẹp, hào hùng của cha ông ta, đặc biệt cảm phục và kính trọng, tôn thờ, đạo làm thầy của thầy Chu Văn An - người đã đắp nền móng cho nền giáo dục nước nhà bằng tâm đức và chính cuộc đời của mình - Người đã làm sáng ngời về đạo học, đạo làm thầy là tấm gương để các thế hệ nhà giáo tiếp bước truyền thống, xứng đáng với đạo học và sự nghiệp làm thầy./.

 



Nguồn tin: Vitis
Số lượt xem bài viết: 970, Ngày cập nhật cuối cùng: 27/02/2017