Khai giảng lớp bồi dưỡng kiểm định chất lượng giáo dục và áp dụng mô hình KOSEN tại các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Công Thương

Yếu tố con người là nền tảng quyết định sự thành công của các mục tiêu chiến lược và các quy hoạch phát triển ngành Công Thương trong sự nghiệp CNH – HĐH đất nước và hội nhập kinh tế thế giới. Tuy nhiên, hiện nay chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ở nước ta còn chưa cao, chính vì thế Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản – JICA thực hiện áp dụng mô hình đào tạo KOSEN – Nhật Bản nhằm phát triển nguồn nhân lực có khả năng sáng tạo và có kỹ năng thực tế cao, phục vụ cho mục tiêu CNH – HĐH đất nước đến năm 2020.

 

Sáng ngày 27 tháng 11 năm 2017, trường Đào tạo, bồi dưỡng Cán bộ Công Thương Trung ương đã tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng kiểm định chất lượng giáo dục và áp dụng mô hình KOSEN tại các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Công Thương. Tham dự lễ khai giảng có bà Nguyễn Thị Lâm Giang – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công Thương; TS.Nguyễn Thiện Nam – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng Cán bộ Công Thương Trung ương; ông Matshushita, chuyên gia cao cấp hình thành dự án JICA tại Việt Nam; GS. Mitani, GS.Sugimoto - KOSEN Nhật bản cùng các chuyên gia dự án JICA – IUH và các lãnh đạo các cơ sở đào tạo, các học viên tham gia khóa tập huấn.

Các đại biểu, chuyên gia và học viên tham dự khai giảng lớp học

Phát biểu khai giảng lớp học, TS.Nguyễn Thiện Nam – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng Cán bộ Công Thương Trung ương cho biết: Đây là cơ hội tốt để cho các Trường tham gia khóa học cũng như là căn cứ để Vụ Tổ chức Cán bộ triển khai các Dự án hợp tác quốc tế trong thời gian tới. TS.Nguyễn Thiện Nam chia sẻ: Với tư cách là đơn vị được Bộ giao phối hợp tổ chức lớp cho lãnh đạo các đơn vị đào tạo thuộc Bộ Công Thương, Trường Đào tạo, bồi dưỡng Cán bộ Công Thương Trung ương ý thức được trách nhiệm và tự hào được tham gia cùng các đồng chí trong việc nâng cao hiệu quả trong công việc hiểm định chất lượng giáo dục và áp dụng mô hính KOSEN tại các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Công Thương.

TS.Nguyễn Thiện Nam – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng Cán bộ Công Thương Trung ương phát biểu khai giảng lớp học

TS.Nguyễn Thiện Nam mong rằng với sự chuẩn  bị chu đáo của đơn vị tổ chức, sự nhiệt tình của đội ngũ chuyên gia và sự tích cực của các đồng chí học viên, khóa học sẽ đem lại những kiến thức, kinh nghiệm bổ ích. Đồng thời, TS.Nguyễn Thiện Nam cũng mong muốn nhận được sự phản hồi thông tin của các học viên đối với Nhà trường để Nhà trường hoàn thiện, nâng cao chất lượng công tác tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng góp phần đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ngành Công Thương xứng tầm với yêu cầu của tình hình mới.

Bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công Thương phát biểu chỉ đạo lớp học

Phát biểu chỉ đạo lớp học, bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công Thương chia sẻ: Dự án KOSEN (JICA – IUH) sẽ kết thúc phần I vào tháng 4 năm 2018. Dựa trên mô hình KOSEN, Bộ Công Thương đã và đang xây dựng các Dự án hợp tác quốc tế xoay  quanh trục của mô hình KOSEN, cụ thể:

- Dự án ADB, 2018 – 2022 (10 trường tham gian);

- Dự án KFW, 2018 – 2022 (12 trường tham gian);

- Dự án AIG, 2017 – 2018 (4 trường tham gian);

- Dự án JICA – PIUS, 2018 2019 (4 trường tham gia);

- Đề án Đào tạo nhân lực chất lượng cao, theo cơ chế đặt hàng.

Bà Nguyễn Thị Lâm Giang nhấn mạnh: Đặc điểm của mô hình KOSEN là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và đảm bảo 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Điểm đáng chú ý khác của mô hinh KOSEN là việc đào tạo không chỉ có lý thuyết mà hướng đến kỹ năng thực hành, khả năng sáng tạo của người học thông qua các hoạt động thực hành, nghiên cứu; sử dụng giảng viên có trình độ cao và thiết bị đào tạo tốt; đào tạo chất lượng cao với mô hình nhóm nhỏ,…

Khóa học sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 27 đến ngày 29 tháng 11 năm 2017) với nội dung chính: Bối cảnh, ý nghĩa và tổng quan về mô hình đào tạo KOSEN; Tăng cường năng lực cơ bản và chuyên môn của sinh viên như những kỹ sư thực tiễn và sáng tạo; Củng cố tổ chức và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Nuôi dưỡng tư duy của các sinh viên như những kỹ sư thực tế và sáng tạo; Phát triển sự sáng tạo của sinh viên; Hợp tác bên ngoài cho HRD của các kỹ sư thực hành và sáng tạo./.

Số lượt xem bài viết: 759, Ngày cập nhật cuối cùng: 27/11/2017